Dệt may dự kiến xuất khẩu thêm 2 tỷ USD năm 2013

Cập nhật : 24/08/2013
Lượt xem: 1496
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tin tưởng toàn ngành sẽ tạo thêm 200.000 việc làm mới, riêng đơn vị đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân của người lao động thêm 5%.
> Năm bết bát của ngành dệt may
> Dệt may, da giày thất nghiệp hàng loạt
Dệt may năm 2012 có tăng trưởng nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Anh Quân

Dệt may năm 2012 có tăng trưởng nhưng nhìn chung doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Anh Quân

Tại buổi họp báo diễn ra ngày 8/1, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường nhận định tổng nhu cầu dệt may toàn thế giới năm 2013 dự kiến sẽ tăng 2,32%, trị giá 713 tỷ USD.

Trên cơ sở đó, ngành Dệt may Việt Nam kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10,4 đến gần 12% trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 18,8 - 19,3 tỷ USD. Dự kiến các thị trường như Mỹ đạt kim ngạch xuất khẩu 8,5 tỷ USD (tăng trưởng 11%), Nhật Bản đạt khoảng 2,4 tỷ USD (tăng 18%), Hàn Quốc đạt 1,5 tỷ USD (tăng 15%), EU đạt khoảng 2,4 tỷ USD và các thị trường khác đạt khoảng 4,2 tỷ USD.

Cùng với việc tăng thêm khoảng 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013, đại diện Vinatex tin tưởng toàn ngành sẽ tạo thêm 200.000 việc làm mới. Riêng Tập đoàn Dệt may đặt mục tiêu doanh thu năm 2013 tăng 12% so với 2012, kim ngạch xuất khẩu 12%, thu nhập bình quân người lao động tăng 5%.

Trong số 17,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2012, tỷ lệ nội địa hóa lượng nguyên phụ liệu có trị giá 8,4 tỷ USD, đạt 49% ( trong khi tỷ lệ này năm 2011 chỉ đạt 45%). Năm 2013, toàn ngành Dệt may sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 50%, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Năm 2012, toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu 17,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với 2011, trong đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam đạt 2,602 tỷ USD tăng 16%. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là năm bết bát của ngành Dệt may Việt Nam. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng dệt may đã gặp 3 cái khó trong năm 2012 gồm: đơn hàng nhỏ, giá cạnh tranh quyết liệt; các loại chi phí đều tăng; đời sống người lao động cũng khó khăn nên doanh nghiệp phải cố gắng không giảm lương.

Nhiều công ty rơi vào cảnh lượng hàng tồn kho lớn, phải cân đối lại chi phí và trả lương cho công nhân nên lợi nhuận không còn cao như trước, thậm chí là lỗ. Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Legamex cho hay, hợp đồng không thiếu nhưng càng làm càng làm lỗ do "các loại chi phí tăng cao, doanh nghiệp khó mà gánh nổi".
Theo vnexpress.net