Báo nước ngoài khen ngành dệt may Việt

Cập nhật : 24/08/2013
Lượt xem: 1785
Theo AFP, giới chuyên gia đánh giá Việt Nam là điển hình cho ngành công nghiệp dệt may lành mạnh, kỷ luật tốt và mức lương tương xứng.
> Cơn sốt sừng tê Việt trong mắt thế giới
> Thực trạng nợ xấu Việt Nam trên báo nước ngoài

Từ cháy nhà máy đến lạm dụng lao động, sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt tại châu Á chưa bao giờ hết vấn đề. Cuối tuần trước, vụ sập nhà máy tại Dhaka (Bangladesh) đã khiến 550 người chết và mất tích. Sự việc đang làm dấy lên mối lo về điều kiện lao động tại các xưởng may giá rẻ cho các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Kalpona Akter, nhân viên Trung tâm Đoàn kết Công nhân Bangladesh cho biết: "Làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng đang gia tăng. Bangladesh cần cải tổ ngành công nghiệp trước khi các tín đồ thời trang băn khoăn liệu có nên mặc những chiếc váy nhuốm máu".

Theo AFP, giới chuyên gia đánh giá Việt Nam là điển hình cho một ngành công nghiệp dệt may lành mạnh, kỷ luật tốt và mức lương tương xứng. Các thương hiệu khổng lồ như Zara, Mango và H&M đều có sản phẩm được tạo ra tại đây.

Ngành dệt may Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá cao. Ảnh: Anh Quân

Ngành dệt may Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá cao. Ảnh: Anh Quân

Tara Rangarajan, giám đốc dự án Better Work của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết: "Ở đây chẳng hề có cuộc đua cắt giảm lương". "Bóc lột người lao động chỉ là chính sách ngắn hạn để giảm giá thành sản phẩm. Việt Nam muốn cạnh tranh dài hạn về nhiều mặt khác hơn là chi phí nhân công. Vì vậy, họ vẫn luôn cố gắng cải tiến các điều luật”, bà nói. Sự thực là Việt Nam vẫn thu hút được khách hàng dù giá nhân công cao gấp ba Bangladesh.

Điều kiện làm việc tại các nhà máy cũng được cải thiện trong thập kỷ qua. Còn công nhân thì cho biết họ được đối xử rất tôn trọng, nhất là những lao động lành nghề. Họ còn có ưu đãi như chỗ ở miễn phí và bữa ăn đúng tiêu chuẩn.

Nguyễn Hữu Linh đã làm việc trong một nhà máy sản xuất túi xách 18 năm. Anh cho biết: "Khi mới đi làm, lương của tôi chỉ là 40 USD (847.000 đồng) một tháng. Nhưng giờ một công nhân lành nghề có thể kiếm được 350 - 400 USD". "Công nghệ đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Trước đây, công nhân phải làm gần như tất cả bằng tay. Nhưng giờ mọi việc đã có máy móc", Linh nói. Ban đầu, anh chỉ là công nhân, nhưng giờ đã lên làm quản đốc dây chuyền.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 3,1 tỷ USD trong quý I, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Chuyên gia luật Nguyễn Đình Huân cho biết "ưu tiên số một" của Chính phủ là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.

Trái lại, Bangladesh lại có chiến lược "tập trung tối đa cắt giảm giá thành". Họ đầu tư cho bóc lột nhân công hơn là sử dụng và nâng cấp công nghệ, Nayla Ajaltouni, điều phối viên tổ chức Collectif Ethique sur l’etiquette cho biết. Theo Ajaltouni, "Ngành công nghiệp này đang phát triển rất nhanh. Đó là lý do vì sao các vấn đề về an toàn và sức khỏe thường xảy ra ở đây".

Tuy nhiên, sự giận dữ về việc sập nhà máy có thể sẽ là bước ngoặt với Bangladesh. Năm 2011, lương tối thiểu của công nhân được tăng "không phải vì lý do nhân đạo mà do các cuộc biểu tình phản đối khiến nguồn cung bị ảnh hưởng. Thảm họa này sẽ buộc các hãng thời trang phải thay đổi dưới áp lực của truyền thông và xã hội", cô cho biết thêm.

Tuy nhiên, Abdus Salam Murshedy - Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu Bangladesh lại giải thích họ đã có các nhà máy đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, khách hàng chẳng thèm ngó ngàng tới vì muốn tối đa hóa lợi nhuận.

Vấn đề là "người tiêu dùng chẳng bao giờ biết được mối quan hệ thực sự giữa quần áo giá rẻ, lạm dụng lao động hay các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn. Họ bị choáng ngợp bởi công nghệ marketing của các hãng", Anne Elizabeth Moore, một tác giả sách nổi tiếng nhận định.

Giám đốc chi nhánh một hãng thời trang tại Hong Kong cũng cho biết tai nạn gần đây tại Bangladesh "đang buộc các công ty, dù có ở tòa nhà đó hay không, phải thắt chặt chuỗi cung ứng. Điều này là rất tốt. Nhưng dù sao, họ cũng không thể thay đổi hệ thống ở Bangladesh. Đây là trách nhiệm của Chính phủ". Ông nhấn mạnh không như Việt Nam, Dhaka chẳng hề áp dụng chính sách tăng lương tối thiểu hàng năm và thành lập công đoàn.
Theo vnexpress.net